Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Album "Sola Scriptura" (2007) của Neal Morse

Một tinh thần tôn giáo

Một tiểu thuyết thì kể một câu chuyện. Có rất nhiều bài hát cũng kể những câu chuyện. Tất nhiên, trong giới hạn của một ca khúc bình thường, chỉ có thể gọi nó là một truyện ngắn, nếu ta làm một phép so sánh khập khiễng. Và một ca khúc dài thì kể một câu chuyện dài hơn. Những tiểu thuyết lớn thì có nhiều trường đoạn dài. Có thể gọi một album prog concept là một tiểu thuyết lớn với những ca khúc – trường đoạn – dài thăm thẳm, miêu tả những cung bậc tâm lí cực kì đa dạng, thông qua những đoạn instru lê thê lúc nhanh lúc chậm, khi hung bạo phẫn nộ lúc nhẹ nhàng thong thả… Album Sola Scriptura (2007) của Neal Morse là một album như thế. Hơn nữa nó lại nói về một chủ đề cao siêu : Đấng linh thiêng và Sự cứu rỗi. Trong phép so sánh khập khiễng của ta, nó gần như đã trở thành một tiểu luận về Thần học. Vâng, nó xứng đáng ở vị trí là một khảo sát về tâm linh trên bình diện âm nhạc.

Thật khó để có thể nói hết về một album nào đó. Đơn giản vì có quá nhiều thứ để nói : bản thân tác giả của nó đã là một khía cạnh dài dòng, cho đến việc phân tích nội dung và âm nhạc trong album… Thật tham vọng khi muốn biết hết về một thứ gì đó. Trên đời, mọi thứ đều có phần tối bị che lấp mà ta không sao hiểu hết được. Điều đó càng đúng khi nói về nội tâm con người. Nội tâm chúng ta dường như không thuộc về thế giới này, chính vì vậy con người rất dễ lạc lối. Khi đó, cách thông thường nhất trên đời là : chúng ta nương mình theo một ngoại lực mạnh hơn, vô hình, siêu hình, dẫn dắt chúng ta đến sự cứu rỗi. Sola Scriptura (tiếng Latin - By Scripture Alone) là một học thuyết nghiên cứu về Thánh Kinh, chứa đựng những kiến thức cần thiết về sự cứu rỗi và đấng linh thiêng. Vậy Neal Morse muốn nói gì trong album solo này của mình? Rao truyền tinh thần Cơ đốc? Cái subgenre mà người ta gán cho nhạc của ông, Cprog, cũng thật đáng ngờ. Nó làm ta dễ dị ứng. Thế giới bây giờ tràn ngập những kẻ vô thần. Và chúng ta, có lẽ cũng thế, cảm thấy ngột ngạt khi một ai đó đang rao giảng cho mình. Thật sự đây không phải là một album rao giảng. Nó đượm màu tôn giáo, nhưng cũng chính là sự thật trong cuộc sống : chúng ta đối mặt với những chướng ngại, trắc trở trong đời, vậy chúng ta phải tìm sự cứu rỗi cho mình ở đâu? Neal Morse không ngại ngần trả lời, nơi ta có khả năng nương tựa chính là Đức Chúa trời. Cho dù chúng ta không phải là những người Cơ đốc, nghe album này chúng ta vẫn có thể tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân mình. Bởi một lẽ giản đơn, âm nhạc không có ranh giới.

Một đặc trưng prog

Để tránh sa đà và việc phân tích nội dung album, tôi sẽ rẽ ngang tại đây để nói về chất liệu âm nhạc trong album. Nếu bạn là một người nghe progressive lâu năm thì đây là một album hoàn toàn không có gì đột phá. Cũng là những trường đoạn, với tiết tấu thay đổi, nhịp điệu thay đổi, và thật lòng mà nói thì ngoài phần giai điệu của ca khúc Heaven in my heart có hơi hướm nhà thờ một chút, phần còn lại của album đúng kiểu prog. Bạn sẽ nghe những câu riff với tiếng guitar distortion ở phần mở đầu, sau đó là những đoạn keyboard luyến láy trên nền beat trống phức tạp, lát sau thì một câu solo guitar chen vào thế chỗ. Rồi bỗng nhiên không gian chùng lại bằng tiếng piano đệm chậm rãi, giọng hát truyền cảm của Neal Morse vang lên. Ở track 2, bạn sẽ có thể nghe được một đoạn guitar thùng cực kì nhẹ nhàng nhưng ấm áp, nhắc gợi đến những không gian sâu thẳm yên bình, rồi sau đó là một đoạn dài thư giãn, với câu solo guitar chậm rãi có phần giống David Gilmour, sau khi bạn đã phải thật sự lao vào một cuộc vật lộn với chuỗi âm thanh nhọc nhằn dày đặc trong phần lớn hai mươi mấy phút của track 1 và phần đầu track 2. Tất nhiên tôi nói nhọc nhằn ở đây là vì nó dài và đủ để ta cảm thận được không khí gập ghềnh của một giai đoạn khó khăn trong đời. Ta hiểu là lúc cần sự cứu rỗi nhất :

« All of me is down and the waiting days are over
I must face the crowd on a dark and dreary day. »

Thật ra nếu so với Dream Theater hay các band prog metal thì đây vẫn là một album nhẹ nhàng chán. Ta vẫn đang nói về một album prog rock. Các fan metal có lẽ nên cân nhắc trước khi thử nghe.

Trong album này, track 3 đem lại sự khác biệt lớn nhất. Không nhiều instrument và phần lời thật sự làm ta cảm thấy lay động. Đó là một con người đang chìm trong bóng tối cuộc đời :

« Oh God, help me to have heaven in my heart… »

Nhưng anh ta không ngại ngần kêu tên Chúa, trao tâm hồn mình cho Chúa, để Chúa dẫn dắt mình đến sự cứu rỗi :

« But there's something burning inside me
There's something deep within my heart
Telling me go on through
I am here with you, no matter where you are
So in my hour of pain and sorrow
Please, Jesus, walk me through the dark. »

Những giai điệu đẹp đẽ và êm ái như cuốn ta vào cơn mộng của kẻ hành khất lạc đường trong sa mạc cuộc đời, trong cơn mộng đẹp ấy, anh ta đã kịp tìm thấy Chúa trời cho mình.

Các track 1, 2, 4 trong album rất dài. Mỗi track lại bao gồm nhiều phần khác nhau. Ta có thể nhận thấy sự phức tạp trong cấu trúc và lời lẽ của các track này, nhưng thật vậy, Neal Morse đang cố gắng tiếp cận luận thuyết vĩ đại của Martin Luther bằng âm nhạc. Tôi sẽ không phân tích, mà thật ra là không có đủ trình độ để phân tích phần lyrics của album này ở đây. Tôi không phải là một người Cơ đốc, nhưng tôi đã thật sự cảm động sâu sắc khi nghe album này. Ở nó có một sự trong sáng kì lạ, như thể ánh sáng kì diệu chiếu thẳng từ bầu trời xám xịt của cuộc đời tăm tối, soi rọi con đường cho ta bước tiếp. Đó là sức mạnh của Đức Tin.

Hãy thử nghe và cảm nhận Sola Scriptura.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét